P/E = Giá thị trường của một cổ phiếu (P hay Price)/EPS. Chỉ tiêu này cho biết với một đồng Lợi nhuận ròng doanh nghiệp thu được (EPS), nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu đồng cho Giá một cổ phiếu của doanh nghiệp. Cổ phiếu có P/E < 8-10 lần thường được xem là hợp lý nhưng với doanh nghiệp có EPS dự kiến tăng trưởng cao trong tương lai thì doanh nghiệp có thể được chấp nhận mức P/E cao hơn trung bình ngành.
P/E có nói lên cổ phiếu rẻ hay đắt?
Có rất nhiều lý do để một công ty có mức P/E thấp trong một thời điểm nhất định. Có thể bởi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn so với thời gian trước, khi đó phần E (Earnings) sẽ tăng lên dẫn tới P/E thấp. Trong trường hợp này có thể nói cổ phiếu đang được định giá thấp và là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào cổ phiếu.
Tuy nhiên, P/E cũng có thể thấp do doanh nghiệp thu được lợi nhuận bất thường (thanh lý tài sản, bán công ty con, nhượng quyền sở hữu đất đai hoặc công nghệ…), những khoản lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty và không có tính lặp lại trong tương lai. Hoặc cũng có thể công ty có P/E thấp là do cổ đông hiện hữu của họ không còn thấy khả năng phát triển của công ty, nên tiến hành bán chốt lời khiến giá cổ phiếu giảm. Những trường hợp này P/E thấp có thể kéo dài, nhưng có lẽ cổ phiếu đó không phải rẻ bởi triển vọng phát triển không sáng.
Ngược lại, chỉ số P/E cao thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà đầu tư chuyên nghiệp thường sẵn sàng trả một mức “premium” cho những doanh nghiệp hàng đầu. Và thường những doanh nghiệp này có chỉ số P/E rất cao.
Ví dụ tiêu biểu nhất có lẽ phải nói đến cổ phiếu Amazon của vị tỷ phú giàu nhất hành tinh Jeff Bezos. Công ty này chưa từng trả 1 đồng cổ tức cho cổ đông từ khi niêm yết và có mức P/E luôn ở trên mức 200 trong khi sàn Nasdaq nơi công ty này niêm yết chỉ có mức P/E xấp xỉ 25 lần.
P/E cao không chỉ là là câu chuyện của riêng Amazon, hầu hết những cổ phiếu công nghệ hàng đầu đều có mức P/E trên 50, cho nên việc lấy mức P/E của thị trường áp đặt lên P/E của từng cổ phiếu hay thậm chí từng ngành đôi khi cũng không chính xác.
Một vấn đề của phương pháp đánh giá P/E là không thể áp dụng đối với những công ty có lợi nhuận âm. Khi đó nhà đầu tư chỉ có thể “xuống tiền” nhờ vào việc đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp trong dài hạn. Ví dụ điển hình nhất là công ty Tesla của tỷ phú Elon Musk. Công ty này chưa từng báo lãi, thậm chí công ty báo mức lỗ Q1/2018 ở mức kỉ với con số gần 800 triệu USD. Các nhà đầu tư chiến lược, quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn tiếp tục rót vốn để Tesla ở “thì tương lai”.
Câu chuyện tương tự tại thị trường Việt Nam, khi công ty thương mại điện tử Tiki liên tục báo lỗ nhưng vẫn được các nhà đầu tư định giá cao. Năm 2017, Tiki ghi nhận mức lỗ 282 tỷ đồng. Trước đó, năm 2016 công ty cổ phần VNG- Vinagame định giá startup này có ở mức 1.000 (45 triệu USD) tỷ đồng nên đã đầu tư 17 triệu USD đổi lấy 38% cổ phần của Tiki. Tuy làm ăn chưa có lãi, nhưng gần đây JD.com- công ty thương mại điện tử lớn thứ 2 của Trung Quốc đã “bơm” 44 triệu USD để sở hữu 22% cổ phần của Tiki.
Ngoài ra, P/E đắt hay rẻ còn phụ thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư. Nhóm ngành thép trên TTCK Việt Nam có P/E không cao, ngay cả doanh nghiệp đầu ngành là HPG cũng chỉ có P/E chưa đến 10, kém xa P/E thị trường chung là 19. Ngược lại, nhóm bán lẻ lại khá hấp dẫn và P/E các doanh nghiệp đầu ngành như PNJ thậm chí lên tới 24 nhưng nhà đầu tư vẫn sẵn sàng trả giá cao để sở hữu. Như vậy, khó có thể nói P/E là đắt hay rẻ mà chỉ đơn giản là phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư với doanh nghiệp.
Sử dụng phương pháp P/E sao cho hiệu quả?
Phương pháp P/E chỉ nên áp dụng đối với những doanh nghiệp cùng ngành, và nhà đầu tư cần loại trừ những khoản thu nhập bất thường để tăng tính chính xác của việc định giá. Về mặt lý thuyết, nhà đầu tư nên lấy trung bình tỷ lệ P/E trong khoảng thời gian vài năm để xây dựng một tỷ lệ P/E tiêu chuẩn và sử dụng trong quá trình ra quyết định.
Thậm chí ngay cả khi so sánh P/E của 2 doanh nghiệp cùng ngành vẫn có những vấn đề mà phương pháp này chưa thể giải đáp. Giả dụ công ty A và B là 2 công ty cùng ngành, có cùng mức EPS, và có cùng mức giá ở trên thị trường vậy thì việc mua cổ phiếu của công ty A hay công ty B cũng không có sự khác biệt?
Nhà đầu tư cần xem xét đến cơ cấu vốn của 2 công ty để biết được nên đầu tư vào đâu. Giả dụ Công ty A sử dụng nợ vay nhiều hơn, đồng nghĩa với việc họ phải trả chi phí tài chính nhiều hơn, mà vẫn mang lại cùng một mức lợi nhuận. Điều đó cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận của công ty A là tốt hơn, và dĩ nhiên nhà đầu tư nên bỏ tiền vào công ty A thay vì công ty B.